Bộ Tài chính vừa công bố sai phạm của 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gồm: Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sunlife. Bức tranh tài chính của các doanh nghiệp này trái chiều khi người lãi nghìn tỷ, kẻ lỗ luỹ kế gần thập kỷ.
Prudenital lãi hơn 3.600 tỷ đồng
Năm 2022, tổng doanh thu của Prudential đạt 34.610 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thuần từ hoạt động bảo hiểm 30.557 tỷ đồng; doanh thu hoạt động tài chính hơn 4.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Prudential đạt 3.636 tỷ đồng, gấp khoảng 7,7 lần so với lợi nhuận năm 2021.
Prudenital lãi hơn 3.600 tỷ đồng trong năm 2023. |
Chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Prudential năm 2022 giảm tới 10.400 tỷ đồng so với năm 2021. Việc giảm chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm là một trong những yếu tố góp phần giúp Prudential đạt lợi nhuận lớn năm 2022.
Lỗ luỹ kế gần 1 thập kỷ, Sunlife mạnh tay chi khen thưởng đại lý
Năm 2022, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Sunlife Việt Nam đạt doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở mức 5.173 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2021.
Dù doanh thu hoạt động bảo hiểm tăng nhưng Sunlife vẫn phải gánh khoản lỗ trước thuế 1.232 tỷ đồng.
Một số khoản chi phí tăng cao so với năm 2021 đã góp phần khiến Sunlife thua lỗ. Tiêu biểu như tổng chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm năm 2022 của Sunlife lên mức gần 1.153 tỷ đồng, tăng 429 tỷ đồng so với năm 2021. Khoản chi hoa hồng bảo hiểm của doanh nghiệp này cũng tăng tới 371 tỷ đồng so với năm 2021.
Sunlife Việt Nam được thành lập năm 2013 với hoạt động chính kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, quản lý quỹ, đầu tư vốn. Đến cuối năm 2022, công ty có 537 nhân viên, có 1 trụ sở chính, 2 chi nhánh, 39 địa điểm kinh doanh và 40 văn phòng tổng đại lý.
Lỗ luỹ kế gần 1 thập kỷ, Sunlife mạnh tay chi khen thưởng đại lý. |
Năm 2022, Sunlife mạnh tay chi đào tạo ban đầu và thi cấp chứng chỉ đại lý lên tới 21 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2021. Chi khen thưởng hỗ trợ đại lý tăng 719 tỷ đồng so với năm 2021.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, Sunlife có nhiều chính sách thu hút đại lý mới. Tiêu biểu như đại lý giới thiệu một nhân sự tham gia học, thi cấp chứng chỉ đại lý mới sẽ nhận ngay khoản “thưởng” 500.000 đồng/người.
Sau khi hoạt động tại Việt Nam, Sunlife Việt Nam đã lỗ liên tiếp trong 9 năm và khoản lỗ luỹ kế gần 4.575 tỷ đồng.
Lợi nhuận BIDV Metlife tăng hơn 2 lần
Năm 2022, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife đạt doanh thu phí bảo hiểm 1.758 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với năm 2021. Tổng số tiền chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm ở mức 1.013 tỷ đồng. Công ty chi gần 231 tỷ đồng hoa hồng bảo hiểm. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của BIDV Metlife đạt 85,2 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận năm 2021 chỉ đạt 37,2 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận công ty đã tăng hơn gấp đôi chỉ sau 1 năm.
BIDV Metlife được thành lập năm 2014. Tổng số nhân viên của công ty 193 người. Hoạt động chính của BIDV Metlife gồm kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, tái bảo hiểm, đầu tư vốn.
Lợi nhuận BIDV Metlife tăng hơn 2 lần. |
Thu nhập tài chính của BIDV Metlife gồm tiền lãi từ trái phiếu, lãi tiền gửi. Cuối năm 2022, công ty có 12 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, gấp gần 3 lần so với đầu năm. Tiền gửi ngắn hạn 1.719 tỷ đồng. Với đầu tư dài hạn, BIDV Metlife gửi có kỳ hạn 1.424 tỷ đồng, đầu tư trái phiếu Chính phủ 843 tỷ đồng, trái phiếu doanh nghiệp và tổ chức tín dụng 320 tỷ đồng.
Doanh thu tăng, lợi nhuận MB Ageas vẫn lao dốc
Năm 2022, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas có doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm 6.395 tỷ đồng, tăng 760 tỷ đồng so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 64 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 1/3 lợi nhuận năm 2021 (lợi nhuận năm 2021 của MB Ageas đạt 220 tỷ đồng).
Dù doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 760 tỷ đồng nhưng nhiều loại chi phí của MB Ageas tăng mạnh. Tiêu biểu như chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 145 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tài chính tăng từ 25 tỷ đồng lên mức 292 tỷ đồng. Tổng chi phí bồi thường và trả tiền bảo hiểm tăng vọt (năm 2021 ở mức 278,7 tỷ đồng, năm 2022 tăng lên tới 763,8 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư của MB Ageas gồm tiền gửi có kỳ hạn, chứng chỉ quỹ, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và khoản uỷ thác đầu tư chứng khoán.
Doanh thu tăng, lợi nhuận MB Ageas vẫn lao dốc |
Khoản đầu tư tài chính của MB Ageas biến động mạnh trong năm 2022. Với khoản đầu tư uỷ thác tại MB Capital giảm mạnh từ 382 tỷ đồng đầu năm xuống còn 85 tỷ đồng ở cuối năm. Trong đó, chứng khoán kinh doanh giảm từ 288 tỷ đồng về mức 18 tỷ đồng.
Lỗ đầu tư chứng khoán của tài khoản uỷ thác lên tới 93 tỷ đồng, trong khi năm 2021 con số này chỉ ở mức 2,8 tỷ đồng. Đặc biệt, chi phí khấu hao, hao mòn tăng đột biến lên mức 120 tỷ đồng, trong khi con số này năm 2021 chỉ ở mức gần 72 tỷ đồng.
Sẽ thanh tra tiếp 10 doanh nghiệp bảo hiểm
Theo Bộ Tài chính, việc bán bảo hiểm qua ngân hàng còn nhiều sai phạm. Trong đó, khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới sai phạm nhiều nhất.
Các vi phạm điển hình như: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp. Ngân hàng không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm. Cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng máy tính bảng, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…
Năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm.